top of page
Ảnh của tác giảTrinh Hoàng

Thomas Edison - Bậc Thầy Sáng Tạo Vĩ Đại Của Nhân Loại

Tất cả những thứ xung quanh ta, từ máy móc, thiết bị hiện đại, hay thậm chí là những đôi dép bình thường mà chúng ta hay mang… đều là thành quả của sự sáng tạo.


Sáng tạo giúp cuộc sống con người trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn, hoặc nói ngược lại, xã hội sẽ không thể phát triển nếu không có sáng tạo. Bản thân mỗi người cũng vậy, thiếu đi sự năng động, sáng tạo, con người sẽ trở nên khô khan, thiếu sức sống.


Nhiều người tự hỏi “Tại sao phải sáng tạo? Có cái gì thì xài cái nấy, việc gì mà phải vắt óc suy nghĩ chi cho mệt”. Nhưng thử nghĩ, không có sự sáng tạo thì ngay chính thời điểm này, những thứ chúng ta dùng hằng ngày có tồn tại trên Trái Đất này không? Vậy, sáng tạo là gì? Vì sao nó đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống?


SÁNG TẠO LÀ GÌ?

Steve Jobs từng nói “Sáng tạo chỉ là kết nối nhiều thứ lại với nhau. Khi bạn hỏi những người sáng tạo về cách họ thực hiện một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy ngượng ngùng một chút vì họ không thực sự làm gì cả. Qua thời gian, những ý tưởng ban đầu dần trở nên rõ ràng hơn mà thôi.


Thật ra không có một khái niệm nào chung quy cho hai chữ “sáng tạo”. Nhưng hiểu nôm na thì sáng tạo là việc một con người say mê suy nghĩ, liên kết những sự vật, sự việc xung quanh dưới một góc nhìn mới lạ, từ đó đưa ra những sáng kiến mới, độc đáo. Những sáng kiến này sẽ mang lại sự tiện ích, phát triển cho con người.


Việc bạn vẽ ra một thế giới riêng của mình trên giấy từ những bài học trên lớp, hoặc việc bạn tận dụng lại rác thải và tái chế chúng, đó là những minh chứng cho sự sáng tạo rất gần gũi trong đời sống.



(Nguồn: hoccachkinhdoanh.com)


VAI TRÒ CỦA SÁNG TẠO

Người năng động, sáng tạo luôn học hỏi, tìm tòi để tìm ra những cái mới. Vì thế, họ không chỉ làm việc có hiệu quả mà trong việc xử lý tình huống, họ cũng nhạy bén, tư duy nhanh nhạy hơn.


Sáng tạo mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân mà còn cho những người xung quanh. Sáng tạo giúp chúng ta đạt được thành công, thăng tiến trong công việc. Sáng tạo giúp xã hội phát triển không ngừng, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn, hiện đại hơn.


Trong những tình huống mang tính cấp bách, sáng tạo đóng một vai trò không nhỏ. Một minh chứng điển hình hiện nay, trong tình hình dịch Covid trên toàn thế giới đang ngày càng đáng báo động. Việc nghiên cứu, sáng tạo ra những loại vaccine phòng bệnh là hết sức cần thiết, những phương pháp phòng chống dịch bệnh lây lan của chính phủ không thể bỏ qua. Nếu không có những sáng kiến kịp thời, Trái Đất này không khác gì rơi vào ngày tận thế.


(Nguồn: brandsketer.com)


Nhắc đến sự sáng tạo, trong đầu tôi chợt nhớ đến nhà bác học Thomas Edison - một nhà khoa học vĩ đại của nhân loại. Những phát minh của ông đã đưa nhân loại lên một tầm văn minh mới.


Thomas Edison sinh ngày 11 tháng 12 năm 1847 tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Bố là người Hà Lan, mẹ là một giáo viên tiểu học người Scotland. Từ nhỏ, ông đã biểu hiện là một đứa trẻ hiếu kỳ, luôn thích tìm hiểu thế giới xung quanh. Ông đã từng bị đuổi học khi chỉ mới đi học 3 tháng vì những trò nghịch ngợm của mình. Sau đó, mẹ ông là người đã giảng dạy ông. Bà rất vui vì trách nhiệm đó và đã dìu dắt ông trở thành một nhà khoa học.


(Nguồn: doanhnghiepvn.vn)


Năm 12 tuổi, Edison đã xin ba mẹ cho phép ông đi xin việc. Mặc dù không nhận được sự đồng ý nhưng không ai có thể ngăn cản được quyết tâm của ông. Công việc đầu tiên của ông là bán báo, tạp chí, bánh kẹo,... cho một ga xe lửa. Tối đến thì tiếp tục với niềm đam mê nghiên cứu.


Một ngày, một sáng kiến nảy ra trong đầu nhà bác học. Ông quyết định mở thêm trong toa hành lý một “cơ sở báo chí” và đã ra mắt tuần báo khổ nhỏ “The Weekly Herald”. Sau một thời gian khó khăn với nghề làm báo vì sự săn đuổi của những kẻ bị chế nhạo, Thomas Edison quyết định ngưng việc làm báo.


(Nguồn: artsandculture.google.com)


Vượt qua bao nhiêu khó khăn, Edison đến New York với một bàn tay trắng và một đống nợ. Ở đây, công việc đầu tiên của ông là một quản đốc kỹ thuật với lương tháng 300 đô la. Tuy nhiên, công việc này khiến ông dần chán nản vì những sáng kiến cứ chực chờ trong đầu nhưng không được thực hiện.


Sau đó, ông gặp được 2 người bạn cộng sự của mình và thành lập xưởng điện cơ và điện báo. Ông được Tướng Marshall Lefferts, giám đốc công ty Gold and Stock Telegraph tín nhiệm và giao cho nhiệm vụ biến đổi loại máy điện tín in thường sang điện tín in chữ. Sau vài tháng, ông thành công và lấy được bằng phát minh.


(Nguồn: giaithuongtinhnguyen.vn)


Sau thành công của chiếc máy điện tín in chữ, nhà bác học đại tài càng nổi tiếng hơn. Hàng loạt các phát minh mới ra đời như máy hát, đèn điện, máy chiếu bóng, máy đếm phiếu, bút nén khí stencil,... nhưng trong đó có lẽ bóng đèn điện là phát minh vĩ đại nhất của ông, làm thay đổi cục diện xã hội, mang cuộc sống “ra khỏi bóng tối”. Ông được dân chúng phong tặng danh hiệu là "thầy phù thủy ở Menlo Park".


SỰ RA ĐỜI CỦA BÓNG ĐÈN ĐIỆN

Vào năm 1878, người ta chỉ biết đến đèn hồ quang - một loại đèn rất nóng và còn phát ra mùi khó chịu, không thích hợp khi sử dụng trong nhà. Lúc này, Edison bắt tay vào việc nghiên cứu ra chiếc bóng đèn điện.


(Nguồn: tinhte.vn)


Sau khi thử qua rất nhiều loại dây kim loại, dây kim loại được đốt nóng trong bóng thủy tinh không chứa không khí, hay các dây kim loại hiếm như platine, rhodium,... nhưng kết quả vẫn chưa hài lòng.


Qua hàng ngàn cuộc thử nghiệm, đến tháng 10 năm 1879, chiếc bóng đèn điện đầu tiên của nhân loại được ra đời chiếu sáng liên tục đến 40 giờ. Phát minh đột phá này đã thu hút hàng ngàn người hiếu kỳ xuôi ngược New York - Menlo Park để chứng kiến điều kỳ diệu. Và sau đó, công ty đèn điện Edison ra đời, làm cho nhiều công ty khí đốt chao đảo.


Những phát minh to lớn của nhà bác học đại tài Thomas Edison như mở ra một kỷ nguyên mới, một bước đệm mới cho sự “tiến hóa” của nhân loại. Tất cả những thành công đó đều có được do sự không ngừng học hỏi cùng niềm đam mê sáng tạo vô tận và những cố gắng để chạm đến được đam mê.


Ở thời đại nào cũng vậy, những cố gắng nỗ lực không ngừng phát triển, sáng tạo sẽ mang đến thành công cho mỗi cá nhân, mỗi tập thể. Không phải ai sinh ra cũng là thiên tài, điều đó còn dựa vào quá trình tích lũy. Đừng gò bó bản thân, đừng để bản thân bị giới hạn trong một khuôn khổ.


(Nguồn: tbig.vn)


Hãy tin vào bản thân, đừng nản chí, xấu hổ bởi những thất bại hay sai lầm mà hãy coi nó như một bài học cho sự phát triển sau này. Hãy nghĩ rằng, sáng tạo là một hành trình, khi bạn chinh phục được hành trình đó thì chính là lúc bạn gặt được quả ngọt.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Bài đăng: Blog2_Post
bottom of page